Phân loại Deutschland_(lớp_tàu_tuần_dương)

Lớp Deutschland thoạt tiên được Hải quân Đức phân loại như những tàu bọc thép (panzerschiffe), nhưng họ đã tái xếp lớp lại chúng như những tàu tuần dương hạng nặng vào tháng 2 năm 1940.

Hải quân Hoàng gia Anh Quốc xem những con tàu này như những thiết giáp hạm bỏ túi (pocket battleships: "một thiết giáp hạm có thể bỏ vừa vào túi"), khi xem xét đến hỏa lực mạnh mẽ chất lên một con tàu tương đối nhỏ. Chúng nhỏ hơn một thiết giáp hạm thực sự, cũng như vỏ giáp và vũ khí đều kém hơn so với thiết giáp hạmtàu chiến-tuần dương; tuy nhiên, chúng vượt hơn về hỏa lực so với mọi tàu tuần dương đương thời. Những con tàu này thực ra dài hơn 2 ft so với lớp thiết giáp hạm Pennsylvania của Hải quân Hoa Kỳ, và có dáng vẽ bề ngoài giống như những thiết giáp hạm đương thời do có những tháp pháo chính đồ sộ, tháp chỉ huy/cầu tàu cao một cách khác thường cũng như những cột ăn-ten của Admiral Scheer và Admiral Graf Spee. Thiết kế và tải trọng của Deutschland rất tương tự như một tàu tuần dương hạng nặng, cho dù chúng được trang bị cỡ pháo lớn hơn so với mọi tàu tuần dương hạng nặng của các nước khác, đánh đổi lấy một tốc độ chậm hơn so với tàu tuần dương. Lớp tàu này có tầm hoạt động đường trường lớn hơn so với lớp Admiral Hipper tiếp nối, làm cho chúng phù hợp hơn trong vai trò cướp tàu buôn ngoài biển khơi. Thuật ngữ tàu chiến chủ lực (capital ship) thông thường có ý nghĩa bao gồm thiết giáp hạm và tàu chiến-tuần dương, nhưng không bao gồm tàu tuần dương hạng nặng; nhưng lớp Deutschland đôi khi được phân loại là những tàu chiến chủ lực, cho dù bởi tầm quan trọng hơn là bởi đặc tính thực sự của chúng.

Các tàu tuần dương lớp Deutschland thể hiện một khía cạnh của chiến lược Hạm đội hiện hữu. Chỉ riêng việc săn đuổi theo chiếc Admiral Graf Spee vào năm 1939 đã phải huy động tổng cộng ba thiết giáp hạm, hai tàu chiến-tuần dương, bốn tàu sân bay và 16 tàu tuần dương của Hải quân Hoàng gia Anh.